Biết ham muốn vươn lên và đừng bao giờ đổ thừa

Trong thực tế, từ chuyện nhỏ đến chuyện to, khi một công việc bị đổ bể, trên đổ thừa dưới, dưới quy lỗi cho trên, không ai chịu nhận trách nhiệm, rút ra bài học nào để không lặp lại thất bại.

Thành đạt là một vấn đề riêng của mỗi cá nhân nhưng lại là một vấn đề chung của xã hội, bởi vì thành đạt của mọi người cộng lại có sức mạnh thúc đẩy xã hội tiến bộ.
Có người ví cuộc đời như một cuộc chơi chứ đừng nghĩ như một canh bạc. Và phải xem đây là một cuộc chơi đứng đắn, không ngừng tận dụng mọi năng khiếu của trí tuệ và sức lực mới mong giành được phần thắng về mình.

Đi tìm việc làm chính là điểm bắt đầu để bạn trẻ tham dự vào cuộc chạy đua đường dài “đấu trí” và “đấu sức” giữa đa số bên dưới, chỉ có bổn phận chấp hành mệnh lệnh, lên hàng thiểu số chỉ đạo bên trên, có trách nhiệm tạo chiến lược, nắm quyền đưa ra mệnh lệnh chi phối hoạt động của mọi người bên dưới.

Vấn đề đặt ra là tuổi trẻ muốn gì, muốn suốt đời chỉ làm kẻ thừa hành mệnh lệnh hay muốn vươn lên trên để đến một ngày nào đó nắm quyền quyết định chiến lược, chỉ đạo kế hoạch thực hiện chiến lược?

Vẫn biết trong một cuộc chạy đua đường dài, người về chót có cái đẹp của họ về sức chịu đựng, ý chí đeo đuổi đến cùng, nhưng theo tôi, một khi đã quyết tham dự cuộc đua, tuổi trẻ đừng tự an ủi mình có “vẻ đẹp của người về chót” mà phải cố hết sức để nằm trong nhóm những người về đầu.

Người trẻ phải đề xuất và thực hiện cho được những ý mới, mô hình kinh doanh mới, từ đó tạo ra công ăn việc làm và tài sản mới cho xã hội.
Do đó điều bạn trẻ cần có là phải ham muốn vươn lên, không phải vì tước vị mà vì nhiệt tình và ý thức trách nhiệm đối với xã hội. Khi chủ động nắm được quyền tổ chức công việc, tuổi trẻ sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

Trong thực tế, từ chuyện nhỏ đến chuyện to, khi một công việc bị đổ bể, trên đổ thừa dưới, dưới quy lỗi cho trên, không ai chịu nhận trách nhiệm, rút ra bài học nào để không lặp lại thất bại.
Trường hợp tôi, sau một thời gian dài thực tập, được nhận làm nhân viên chính thức, tinh thần bỗng xuống dốc, chuyện gì cũng thấy bất mãn: môi trường làm việc, thái độ của đàn anh, chính sách kinh doanh của công ty… nhưng thực chất đó chỉ là cái tật “đổ thừa” có trong tôi.
Đổ thừa cho người khác là cách dễ nhất để tôi tự biện hộ hay che giấu những khiếm khuyết của chính mình. Sực tỉnh ra điều này, tôi đổi sang tư thế tích cực bàn luận với đồng nghiệp, từng bước một chậm mà chắc thực hành các cách làm việc mới đã đồng ý với nhau.
Khi công việc không thành, mỗi người trước tiên phải tự hỏi, trình bày cái sai của chính mình, chung sức phân tích các yếu tố khách quan khác, đề nghị cách sửa sai cụ thể.
Tuy không có các chỉ đạo thích đáng của cấp trên, tự lớp trẻ chúng tôi khắc phục được các yếu kém, thực hiện mọi sự việc đúng theo kế hoạch. Khi được giao trách nhiệm xây dựng lại công ty sau thời thua lỗ, phương châm “Tuyệt đối không đổ thừa” lại được đem ra áp dụng, nghiêm nhặt nhất trong ban giám đốc vì phải làm gương. Chính đó là yếu tố tại cơ sở giúp đưa công ty đến có lời chỉ sau đó một năm.

Khi chạm trán với công việc, bạn can đảm nhận lỗi, dám nhận trách nhiệm thất bại về mình, tuyệt đối không đổ thừa người khác, chịu khó học hỏi, khắc phục cái sai sót, yếu kém của chính mình, từ đó tạo được thực lực – điều kiện không thể thiếu để thành đạt.

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *